Quy Tắc 4C – Giải pháp luyện nói tiếng Anh hiệu quả. Bạn mong muốn cải thiện khả năng nói nhanh nhất có thể? Bạn đã thử nhiều phương pháp nhưng không hiệu quả? Đã đến lúc tìm một giải pháp đơn giản nhưng hữu ích.
1C – Confidence : Tự tin
Bạn nên nhớ rằng “Không có loại tiếng Anh nói nào hoàn hảo”. Cũng không có loại tiếng Anh chính thống hay tiếng Anh ngoại lai. Dù bạn nói tiếng Anh của ngườiViệt, người Singapore, Philippin, Malaysia hay Hồng Kông thì người khác đều có thể hiểu bạn.
Chớ nên nghĩ rằng mình phát âm không chuẩn như người bản xứ mà sợ không nói ra. Đừng ngần ngại, hãy mạnh dạn. Bạn nghĩ xem, nếu mình không nói, cứ ấp a ấp úng thậm chí im lặng khi người khác hỏi thì làm sao người khác muốn nói chuyện với bạn và làm sao bạn nói lưu loát được?
Trường hợp của những bác xe ôm khi mời du khách Tây đi xe thì lại khác.
Một phần vì kiếm sống nên họ buộc phải nói chuyện với khách, nhưng thực tế ban đầu họ rất tự tin. Dần dần họ nói trôi chảy và khách cũng hiểu được lời của họ.
Nếu người đối diện không hiểu bạn, đừng lo. Hãy dùng từ ngữ và cách diễn đạt khác.
Những lúc này biết vận dụng ngôn ngữ cơ thể “body language” cũng sẽ rất hữu ích. Bạn học cách sửa chữa từ những lỗi sai. Đó là một quy trình mở từ thử nghiệm, sai rồi đến đúng. Sự chính xác sẽ tự nhiên đến với bạn.
2C – Cooperation : Hợp tác
Tập luyện nói tiếng Anh cùng bạn bè. Một người nói tiếng Anh, người kia dịch sang tiếng Việt và ngược lại Việt sang Anh. Công việc này giống như một phiên dịch viên vậy.
Vd: khi người khác nói “Nhà tôi có nuôi một con mèo”, ngay lập tức bạn có thể nói ngay “We have a cat”.
Hãy bắt đầu nói những câu ngắn về chủ đề mình quan tâm với tốc độ chậm. Sau mới tăng dần đến mức chỉ cần bạn mình dứt lời là có thể dịch ngay. Bài tập này giúp bạn luyện phản xạ nhanh với cả hai ngôn ngữ.
Hơn nữa, khi nói chúng ta thường có thói quen dịch trong đầu một câu tiếng Việt sang tiếng Anh rồi mới nói ra. Như vậy, tốc độ sẽ rất chậm. Với bài tập này, bạn hình thành sẵn câu tiếng Anh. Khi đó tốc độ nói của bạn sẽ được cải thiện.
Tất nhiên bạn phải thường xuyên luyện tập quy trình “phiên dịch” này thì mới thành công. Bạn có thể thực hành với BBC learning English video. Mỗi video chỉ từ 2-3 phút, có cả phụ đề cho các bạn kiểm tra khả năng của mình.
3C – Competence : Kỹ năng
Nghe các câu chuyện tiếng Anh, vừa nghe vừa lặp lại và bắt chước cách phát âm, nhịp điệu của người kể chuyện. Có thể là chuyện cổ tích dành cho trẻ em, chuyện về người nổi tiếng v..v.
Vì người kể chuyện đọc khá chậm nên bạn có thể nói theo. Cố gắng nói theo mà không nhìn Script nhé!
Bạn có thể tham khảo loạt sách “Let’s Enjoy Masterpieces- Happy Readers” của nhà xuất bản First News. Mỗi quyển sách là một câu chuyện về một người nổi tiếng có kèm theo CD cho bạn luyện nghe.
Mình đang luyện tập với cuốn The story of Helen Keller. Rất hiệu quả đấy các bạn!
Mỗi lần mình chỉ nghe một chương 5 phút và lặp lại theo nhịp của người dẫn chuyện, dần dần mình phát âm chuẩn hơn và khả năng đoán từ xuất hiện kế tiếp cũng tăng lên.
Một lựa chọn khác, thú vị hơn. Bạn có thể nghe và hát theo những bài hát dành cho trẻ em như Twinle Twinkle little star. Tương tự như các câu chuyện, tốc độ của những bài hát này cũng khá chậm nên bạn có thể hát theo cùng lúc. Luyện tập với câu chuyện hay bài hát đều giúp giọng nói của bạn truyền cảm và luyến láy hơn.
4C – Combination : Kết hợp
Đã đến lúc bạn kết hợp 3 quy tắc trên thành một.
Hãy soạn bài thuyết trình ngắn từ 1 đến 2 phút về những chủ đề cụ thể, tập nói và ghi âm. Sau đó nghe lại, hỏi ý kiến bạn bè và sửa chữa.
Điều này rất có lợi vì bạn sẽ thường phải gặp những bài tập yêu cầu thuyết trình tiếng Anh khi đi học; hoặc phải thuyết trình trình bày ý tưởng bằng tiếng Anh khi đi làm. Tốt nhất bạn nên luyện tập và chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Nên lựa chọn chủ đề bạn hứng thú vì sẽ giúp thể hiện cảm xúc một cách trọn vẹn. Nghĩa là nói bằng cả trái tim. Đừng cố gắng học thuộc. Bạn có thể dừng lại vài giây, suy nghĩ rồi tiếp tục. Điều này giúp bạn tự tin hơn khi phải nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài.
Trên đây là quy tắc mình đúc kết được sau 9 năm học tiếng Anh. Mình rất vui khi nhận ý kiến thảo luận từ các bạn về quy tắc này. Nếu bạn quan tâm, hãy để lại comment bên dưới nhé!
“Có công mài sắt có ngày nên kim”. Khi thật sự muốn cải thiện khả năng nói, bạn sẽ có động lực mạnh mẽ. Khi có động lực, bạn sẽ hành động. Hành động rồi, bạn sẽ thành công.