Nghe trước, nói sau rồi mới học cách viết, ghi nhớ nghĩa của từ, tự tin trong giao tiếp... giúp bạn làm chủ bất kỳ ngôn ngữ nào.
Được làm quen với tiếng mẹ đẻ từ trong bào thai nên trước khi biết nói, trẻ đã nghe những lời ru, cuộc nói chuyện của người lớn. Với những bé nhanh nói thì hơn một tuổi đã có thể bi bô các từ đơn giản như ba, bà, bò... Vốn từ của các con sẽ ngày một cải thiện, từ câu đơn (một tiếng) đến câu đôi hay một câu hoàn chỉnh.
Quá trình học ngôn ngữ này với trẻ không khó khăn và chỉ mất vài năm, trẻ đã sử dụng thuần thục ngôn ngữ mẹ đẻ. Tương tự, việc học tiếng Anh của người lớn cũng sẽ dễ dàng hơn nếu áp dụng theo cách này.
Nghe trước, nói sau
Nhiều người khi bắt đầu học tiếng Anh thường áp dụng phương pháp trái ngược là viết trước, nói sau. Phương pháp truyền thống này có thể giúp người học đạt điểm số cao trong các kỳ thi nhưng sẽ thiên về ngữ pháp, phát âm sai và không thể giao tiếp trong tình huống thực tế.
Học theo cách trẻ con tập nói, phần lớn vốn từ mà trẻ 2-3 tuổi có được là do bắt chước sau khi nghe người khác. Các em ở tuổi này chưa biết viết nhưng vẫn có thể nói rất trôi chảy và diễn đạt những gì mình mong muốn.
Người lớn học tiếng Anh nên bắt đầu từ cách trẻ nhỏ tập nói tiếng mẹ đẻ. |
Để có thể học ngôn ngữ theo cách của trẻ, đầu tiên, bạn nên thực hành kỹ năng nghe, lặp lại, đọc, nói theo theo đúng ngữ điệu và cách phát âm của người bản xứ thay vì tập trung vào học ngữ pháp, từ vựng và viết câu.
Bạn có thể luyện nghe qua nhiều kênh như nghe nhạc, xem phim, nghe thời sự, đọc báo qua mạng, ti vi, đài... Khi nghe nên lưu ý chọn nghe từ cấp độ dễ tới khó và nên bắt chước hoàn toàn theo cách phát âm của họ, không nên Việt hóa tiếng Anh cho dễ như cách nhiều người đã làm.
Nhận diện mặt chữ và ghi nhớ
Đến khoảng 6 tuổi trở đi, trẻ em sẽ tiếp nhận những bài học bằng chữ viết và chữ số từ trường học. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, bởi không chỉ giúp trẻ liên kết âm ngữ, hình ảnh với chữ viết, mà còn là tiền đề để trẻ tiếp thu các tài liệu, sách vở cho hành trình học tập về lâu dài của mình.
Với người lớn khi học tiếng Anh, sau khi đã luyện nghe và có thể phát âm chính xác các từ, bạn có thể nhận diện mặt chữ. Lúc này, khả năng ghi nhớ và sử dụng của bạn sẽ tốt hơn và không lo phát âm sai.
Ôn luyện ngữ pháp giúp củng cố vốn tiếng Anh của bạn. |
Phản xạ trong giao tiếp
Sau khi đã nghe, ghi nhớ mặt chữ và có một vốn từ kha khá thì giao tiếp là cách tốt nhất giúp người học làm chủ ngôn ngữ. Thực tế cho thấy, trẻ dễ thẩm thấu tiếng mẹ đẻ là vì được đặt vào môi trường giao tiếp bằng chính ngôn ngữ đó. Những tác động của tiếng mẹ đẻ thông qua thính giác, thị giác sẽ khiến chúng ta hình thành thói quen bắt chước, ghi nhớ và phản xạ thuận lợi hơn.
Môi trường thực hành đối với việc học ngoại ngữ là yếu tố rất quan trọng, việc được giao tiếp sẽ giúp người học có những phản xạ tự nhiên và sử dụng tiếng Anh thuần thục hơn.
Giao tiếp là cách cải thiện trình độ ngoại ngữ tốt nhất. |
Học ở trẻ nhỏ sự bạo dạn
Trong khi trẻ nhỏ tập nói bằng tất cả sự háo hức đầu đời thì người lớn lại thường nhút nhát, ngại ngùng khi tiếp nhận một ngôn ngữ mới do tự ti trước khả năng của mình. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về tốc độ tiếp thu ngôn ngữ giữa người lớn và trẻ em.
Ngoài ra, khả năng ghi nhớ của người lớn cũng kém hơn trẻ em nên việc tiếp thu ngôn ngữ cần phải có lộ trình cụ thể và phù hợp hơn.