Người học tiếng anh có thể gặp rất nhiều vấn đề khi giao tiếp tiếng Anh – ví dụ như người đối diện có thể nói quá nhanh nên họ không hiểu được hết nội dung của đoạn hội thoại, hoặc có thể họ không biết lúc nào và làm cách nào để có thể bắt đầu một đoạn hội thoại tiếng Anh. Vậy làm thế nào để bắt đầu một đoạn hội thoại tiếng Anh hiệu quả? Sau đây là một vài lời khuyên dành cho bạn!
1- Khiến người khác chờ đợi
Khi bắt đầu một đoạn hội thoại tiếng Anh, bạn có thể dùng một số từ hoặc cụm từ để gây sự chú ý và khiến người khác chờ đợi để nghe bạn nói. Ví dụ bạn có thể dùng một số cụm từ để bắt đầu ý kiến của mình như “Well I think”, “In my opinion”, “I would say”,… sau đó ngừng lại một lúc trước khi nói tiếp.
Những cụm từ này có tác dụng “điền vào khoảng trống thời gian”, giúp người khác có thể chờ để nghư bạn nói tiếp, và bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để suy nghĩ thêm về những gì bạn định nói tiếp theo, chúng sẽ rất hữu ích trong quá trình giao tiếp ngôn ngữ với người khác.
2 – Ngắt lời người khác một cách lịch sự
Thông thường trong một cuộc hội thoại tiếng Anh, bạn có thể chờ đến lúc có một khoảng dừng trong cuộc trò chuyện để tiếp lời người khác. Nhưng đôi khi nếu bạn phát biểu ý kiến giữa chừng mà không tìm ra được khoảng dừng để tham gia vào cuộc hội thoại, bạn có thể sử dụng một vài câu như “Yes, you are right, and….” (Vâng, đúng rồi, và… ) hoặc là “I agree with you, and indeed…” (Tôi đồng ý với bạn, và thật sự là…) sau đó tiếp lời của mình .
Cách tốt nhất để ngắt lời một người khác là cho họ biết rằng bạn có cùng ý kiến với họ. Con người có xu hướng thích và dễ chịu hơn với những người có cùng ý kiến với mình. Khi đó, việc ngắt lời bằng một ý kiến đồng ý trong các tình huống hội thoại tiếng Anh sẽ trở nên thoải mái và ít mang tính tiêu cực hơn.
3 – Nhắc lại những gì bạn đã nghe trong đoạn hội thoại
Thông thường trong các đoạn hội thoại tiếng Anh, đặc biệt là với người bản xứ, người đối diện có thể nói hơi nhanh khiến bạn không thể nghe kịp hoặc không thể đóng góp ý tưởng của mình một cách hiệu quả. Đôi khi bạn có thể nhớ lại những gì các bạn đã trao đổi trước đó và bạn muốn đưa thêm một vài ý kiến của riêng mình, bạn hoàn toàn có thể làm điều này. Bạn có thể sử dụng một vài câu để nhắc lại vấn đề cũ như “going back to what we were saying about…” (quay lại vấn đề chúng ta đã nói trước đó…” rồi sau đó đưa ra ý kiến của mình. Điều này có thể hoàn toàn tự nhiên và được chấp nhận trong các đoạn hội thoại tiếng Anh bình thường.
4 – Mở rộng tình huống hội thoại tiếng Anh với nhiều câu hỏi mở
Đôi khi bạn không biết phải bắt đầu tham gia một đoạn hội thoại tiếng Anh như thế nào. Bạn có thể làm điều này dễ dàng bằng cách đặt thêm câu hỏi dạng mở cho người nói. Bạn có thể nói: “Oh really? How did you do that?” (Ồ thật vậy sao? Bạn đã làm nó như thế nào?) hay “Oh that sounds great! What happened then?” (Ồ nghe tuyệt thật! Rồi sau đó xảy ra chuyện gì?”… Việc này giúp bạn tham gia đoạn hội thoại một cách tự nhiên.
Thông thường, sau khi bạn đặt nhiều câu hỏi và chăm chú lắng nghe, người đối diện sẽ cảm thấy được quan tâm, và sau khi đã nói xong chuyện của mình, họ sẽ lịch sự hỏi lại bạn. Khi đó, bạn sẽ có đất dụng võ để tham gia một cách tích cực vào tình huống giao tiếp rồi.
5 – Thay đổi chủ đề của tình huống hội thoại
Đôi khi, bạn có thể lịch sự thay đổi chủ đề của tình huống hội thoại để có thể tham gia nhiều hơn. Điều này hoàn toàn được phép, tất nhiên chủ đề của bạn phải thật sự có liên quan và khiến người khác hứng thú. Bạn có thể sử dụng một số mẫu câu như “That reminds me…” (Điều này gợi cho tôi nhớ đến…”) hoặc “Oh I just recently remember that…” (Oh tôi vừa chợt nhớ ra rằng….) để thay đổi chủ đề của đoạn hội thoại mà vẫn khiến người đối diện cảm thấy dễ chịu và dễ chấp nhận.