Người học nên học theo trình tự cơ bản đến nâng cao, lấy ví dụ đi kèm, sử dụng sơ đồ tư duy… để nhớ ngữ pháp tiếng Anh lâu hơn.
Học sinh thường cố gắng học thuộc công thức, thay vì hiểu bản chất. Đồng thời, phương pháp học truyền thống như học thuộc, làm bài tập điền vào chỗ trống có gợi ý cũng không hoạt động hiệu quả. Do đó, đơn vị gợi ý 7 phương pháp sau để học sâu, nhớ lâu hơn:
Trình tự cơ bản đến nâng cao
Thay vì áp đặt bản thân phải tiếp nhận một lượng lớn ngữ pháp cùng một lúc, người học có thể chia nó thành các phần nhỏ hơn. Bắt đầu với ngữ pháp cơ bản như danh từ, động từ, tính từ và dần chuyển sang những cấu trúc phức tạp hơn như câu điều kiện phức tạp hay các điểm ngữ pháp nâng cao khác. Điều này giúp việc học trở nên có hệ thống và dễ dàng tiếp thu hơn.
Ví dụ đi kèm
Khi học ngữ pháp, học sinh cần chú trọng vào các quy tắc, công thức, đồng thời, hiểu rõ cách sử dụng trong các tình huống thực tế. Mỗi cấu trúc ngữ pháp nên được minh họa thông qua các ví dụ cụ thể hoặc tốt hơn là tạo ra nhiều ví dụ mẫu (Template sentence) để linh hoạt áp dụng vào nhiều tình huống khác nhau.
Ví dụ, khi học về cấu trúc câu cảm thán trong tiếng Anh, người học có thể tham khảo ba mẫu câu dưới đây:
What an expensive house! (Thật là một ngôi nhà đắt tiền!)
What a cute puppy! (Thật là một con chó con dễ thương!)
What an interesting novel! (Thật là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn!)
Ba mẫu câu này có điểm chung chính là đều bắt đầu bằng "What + a/an + Tính từ". Những danh từ "house", "puppy", "novel" thuộc nhóm danh từ đếm được. Từ đó, người học dễ dàng đưa ra được cấu trúc chung cho dạng câu này như sau: "What + a/an + tính từ + danh từ đếm được".
Sử dụng sơ đồ tư duy (mind map)
Sử dụng sơ đồ tư duy để củng cố kiến thức ngữ pháp là một phương pháp hiệu quả cho hầu hết đối tượng học ngoại ngữ. Mind map giúp người học tổ chức thông tin ngữ pháp theo hệ thống, làm cho quy tắc và cấu trúc trở nên dễ theo dõi, từ đó, nhớ lâu hơn.
Học theo sở thích
Thay vì chỉ tập trung vào việc học quy tắc ngữ pháp, người học nên tiếp cận lượng kiến thức lớn này một cách tự nhiên. Phương pháp luyện nghe thông qua podcast tiếng Anh, đọc những mẩu chuyện nhỏ trong lĩnh vực bản thân quan tâm sẽ giúp người học nắm bắt cách sử dụng ngữ pháp trong ngữ cảnh thực tế. Điều này cũng giúp học sinh hiểu rõ và sử dụng ngữ pháp tự nhiên hơn theo thời gian.
Sử dụng kỹ thuật kết hợp
Kết hợp học ngữ pháp với các kỹ năng khác nhau như nghe, nói, đọc và viết cũng là một chiến lược hiệu quả để ghi nhớ kiến thức. Khi tiếp cận ngữ pháp, người học có thể sử dụng flashcards, trò chơi từ vựng, và ứng dụng học tập để tạo trải nghiệm học tập hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc nghe những bài hát tiếng Anh hoặc xem phim và chương trình truyền hình sẽ giúp học sinh tiếp xúc với ngôn ngữ tự nhiên, từ đó, nhớ lâu hơn.
Thực hành ngữ pháp
Làm bài tập ngữ pháp tiếng Anh là một phương pháp hiệu quả để kiểm tra và củng cố kiến thức đã học. Người học nên dành thời gian hàng ngày để thực hiện các bài tập như điền từ vào chỗ trống, xây dựng câu...
Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham gia các hoạt động nhóm học tập để phát triển kỹ năng giao tiếp và áp dụng ngữ pháp vào tình huống thực tế. Khi tham gia vào các buổi học nhóm, câu lạc bộ tiếng Anh hoặc các sự kiện văn hóa, người học có thêm cơ hội để trao đổi và thực hành ngữ pháp.
Viết và tự kiểm tra
Viết tiếng Anh là một cách hữu ích để cải thiện kỹ năng ngữ pháp. Người học có thể bắt đầu bằng cách viết nhật ký hàng ngày bằng tiếng Anh hoặc viết bài luận về các chủ đề bản thân quan tâm. Khi viết, các bạn nên chú ý đến cách sử dụng các cấu trúc câu, từ vựng và tự kiểm tra bằng cách sử dụng các ứng dụng kiểm tra ngữ pháp trực tuyến hoặc các bài kiểm tra trên sách giáo khoa.
Theo Vnexpress